Các triển vọng tích cực trong tương lai
HSC tiếp tục kỳ vọng doanh thu mảng điện của REE sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021 và 2022 nhờ hợp nhất Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH; Không xếp hạng), 3 dự án điện gió bắt đầu đi vào hoạt động và công suất điện mặt trời áp mái mới hoạt động ổn định. Ngoài ra, mảng cho thuê văn phòng và cơ điện dường như đã chạm đáy trong năm 2021, nhưng cả 2 mảng này đều được kỳ vọng sẽ phục hồi trong giai đoạn dự báo của HSC. Triển vọng hoạt động trong trung và dài hạn của REE rất tích cực, do đó giá cổ phiếu sụt giảm gần đây là cơ hội để Mua vào.
Đồ thị cổ phiếu REE phiên giao dịch ngày 01/12/2021. Nguồn: AmiBroker
Lợi nhuận ổn định và mạnh mẽ từ mảng năng lượng
Cổ phiếu REE có vốn đầu tư trong lĩnh vực thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời áp mái (đều thông qua công ty con) và nhiệt điện (thông qua công ty liên kết). Sự đa dạng về nguồn doanh thu sẽ giúp duy trì lợi nhuận của mảng này ổn định trong tương lai.
Trong giai đoạn dự báo, HSC dự báo doanh thu hợp nhất của mảng này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt 127% và 55% trong năm 2021 và 2022, sau đó tăng trưởng chậm lại 7% trong năm 2023 (Bảng 3). Chúng tôi dự báo CAGR lợi nhuận thuần của mảng này đạt 20% trong giai đoạn 2021-2023.
Có 3 yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng của mảng điện bao gồm:
- Hợp nhất CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh do REE sở hữu 50,45% cổ phần (VSH; Không xếp hạng) vào tháng 4/2021. Công ty con này hiện sở hữu một nhà máy thủy điện mới (Thượng Kon Tum, 220MW) đã bắt đầu hoạt động cũng trong tháng 4/2021;
- 3 dự án điện gió mới (có tổng công suất là 102MW) dự kiến bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2021;
- Công suất điện mặt trời áp mái mới hoạt động từ khoảng cuối năm 2020.
Giá thuỷ điện được kỳ vọng sẽ tăng từ năm 2022
Nhà máy Thuỷ điện Thượng Kon Tum có công suất lớn nhất (220MW) trong số các dự án năng lượng hiện tại của REE. HSC kỳ vọng sản lượng thương mại hàng năm do nhà máy này sản xuất sẽ đóng góp 39-47% sản lượng thuỷ điện từ tất cả nhà máy của REE (những nhà máy REE sở hữu hơn 50% cổ phần) trong giai đoạn 2021-2023.
REE hiện đang đàm phán lại giá PPA (Hợp đồng mua bán điện) cao hơn với EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho nhà máy Thượng Kon Tum nhằm bù lại các khoản nợ trong những năm đầu nhà máy hoạt động. Tuy nhiên, quá trình đàm phán vẫn chưa hoàn thành trong Q3/2021 như kỳ vọng và do đó chúng tôi hiểu rằng REE sẽ cố gắng thực hiện xong trước thời điểm cuối năm 2021; mức giá mới sẽ được áp dụng từ năm 2022 và duy trì trong vòng 10 năm.
HSC kỳ vọng mức giá PPA cơ sở mới sẽ được ký kết trước thời điểm cuối năm 2021, cao hơn 20% so với mức giá cơ sở hiện tại là 914đ/kWh; REE cũng đang yêu cầu một hệ số không đổi là 1,2 lần – về cơ bản, mức giá PPA mà REE yêu cầu EVN được tính bằng giá PPA cơ sở nhân với hệ số này. Sau 10 năm áp dụng mức giá PPA cơ sở cao hơn cùng hệ số nhân là 1,2 lần, hệ số nhân đền bù mới (nhỏ hơn 1,0 lần) sẽ được áp dụng nhằm giữ nguyên IRR của dự án là 0,7 lần theo ước tính của HSC. Tóm lại, HSC ước tính REE sẽ được hưởng mức giá PPA là 1.316đ/kWh trong giai đoạn 2022-2031 (từ mức giá hiện tại là 1.097đ/kWh) và sau này là 768đ/kWh.
Bảng 1: Dự báo giá PPA tại nhà máy Thượng Kon Tum
Nhờ sản lượng lớn, giá bán tăng và hoạt động sản xuất được duy trì trong cả năm 2022, việc hợp nhất nhà máy Thượng Kon Tum sẽ trở thành yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu mảng điện trong năm 2021 và 2022.
3 dự án điện gió bắt đầu hoạt động
REE đã thành công đưa 3 dự án điện gió Phú Lạc 2 (25MW), Lợi Hải 2 (29MW) và Trà Vinh 3 (48MW) đi vào hoạt động trước thời hạn cuối tháng 10/2021 do Chính phủ định ra. Nhờ đó, Công ty sẽ được hưởng giá FIT do Chính phủ đặt ra trong vòng 20 năm. Chúng tôi dự báo các dự án này sẽ đóng góp trong cả năm 2022 và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho Công ty.
Bảng 2: Các dự án điện gió, REE
Chính sách điện mặt trời áp mái vẫn chưa rõ ràng
Chính phủ vẫn chưa ban hành chính sách giá mới cho điện mặt trời áp mái. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công trình điện áp mái mới của REE. REE hiện đang vận hành công suất 86MWp với giá FIT là 8,4 cent USD/kWh.
Do chưa chắc chắn về những chính sách mới, HSC thận trọng dự báo REE sẽ tăng thêm 60MWp công suất trong năm 2022 và tiếp tục tăng thêm 40MWp trong năm 2023 – chúng tôi giữ nguyên giả định này.
Công suất 86MWp mới đóng góp trong cả năm 2021 sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong năm 2021, trong khi những công suất tăng thêm trong năm 2022 và 2023 cũng sẽ thúc đẩy doanh thu những năm sau đó.
Hiệu suất nhiệt điện yếu ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2021 và 2022
Mặc dù HSC dự báo doanh thu mảng điện trong năm 2021 và 2022 sẽ tăng trưởng mạnh lần lượt 127% và 55% nhưng điều này sẽ phản ánh toàn bộ lên lợi nhuận thuần (Bảng 4). Tăng trưởng doanh thu thuần của mảng năng lượng một phần bị bù trừ bởi:
- Thu nhập từ các công ty nhiệt điện liên kết giảm khiến lợi nhuận năm 2021 sụt giảm và có thể kéo dài sang năm 2022.
- Không còn đóng góp từ VSH từ lợi nhuận từ công ty liên kết sau khi hợp nhất vào tháng 4/2021.
REE hiện đã tham gia mảng nhiệt điện thông qua các công ty liên kết, trong đó đóng góp lợi nhuận lớn nhất đến từ CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC; Giảm tỷ trọng). Lợi nhuận năm 2022 được dự báo sẽ giảm 12% (Mời xem: La Nina và dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực, ngày 7/8/2021).
Nhìn chung, chúng tôi dự báo CAGR lợi nhuận thuần mảng điện đạt 11,5% trong giai đoạn 2021-2023.
Biểu đồ 3: Cơ cấu doanh thu mảng điện, REE
Biểu đồ 4: Tăng trưởng lợi nhuận thuần mảng điện, REE
Mảng M&E/Reetech/Reepro phục hồi mạnh mẽ
HSC cho rằng lợi nhuận năm 2021 của mảng M&E/Reetech/Reepro sẽ sụt giảm:
Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mảng M&E (cơ điện) và Reetech (sản xuất và kinh doanh điều hoà không khí) trong năm 2021. Nhiều tỉnh thành đã bị phong toả và nhiều cửa hàng điện máy phải đóng cửa trong Q3/2021.
Tình trạng phong toả đã làm gián đoạn quy trình hoàn thành thủ tục pháp lý và thanh toán của các dự án M&E (Cơ điện) dù việc xây dựng đã hoàn tất. Điều này khiến việc hạch toán doanh thu của REE bị trì hoãn, trong khi việc đóng cửa cửa hàng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Reetech.
Tuy nhiên, HSC dự báo mảng M&E sẽ phục hồi từ năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm 2021, REE thông báo đã ký kết các hợp đồng M&E mới trị giá 2.399 tỷ đồng (tăng 32,4% so với cùng kỳ), cao hơn rất nhiều so với dự báo trước đó của HSC là 1.030 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng việc này cùng với các hợp đồng được ký kết trong Q4/2021 phản ánh nhu cầu bị dồn nén sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 và 2023.
Sự thiếu hụt chính sách giá điện mặt trời áp mái cho năm 2021 đã làm gián đoạn hoạt động của Reepro (lắp đặt điện mặt trời áp mái). Việc Chính phủ chưa ban hành chính sách giá mới cho điện mặt trời áp mái đã ảnh hưởng đến sự quan tâm của nhà đầu tư cho lĩnh vực này và cả nhu cầu của Reepro.
Tình trạng phong toả được nới lỏng và cách tiếp cận sống chung với Covid-19 được kỳ vọng sẽ giúp mảng Reetech phục hồi trong năm 2022 và 2023. HSC cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ ban hành chính sách giá mới cho điện mặt trời áp mái vào đầu năm sau nhằm khuyến khích hoạt động của Reepro.
Nhìn chung, chúng tôi điều chỉnh giảm mạnh 34,5% dự báo doanh thu mảng này trong năm 2021, và nâng lần lượt là 19% và 35% dự báo doanh thu mảng này trong năm 2022 và 2023 với doanh thu năm 2022 và 2023 tăng trưởng lần lượt 43% và 30,7% (Bảng 5).
Biểu đồ 5: Dự báo doanh thu mảng M&E/Reetech/Reepro
Biểu đồ 6: Dự báo doanh thu mảng cho thuê văn phòng
Mảng cho thuê văn phòng phục hồi sau Q3/2021 ảm đạm
Tất cả văn phòng của REE đều nằm tại TP.HCM. Trong Q3/2021, REE đã giảm 20% giá cho thuê và dịch vụ xuống nhằm giữ chân và hỗ trợ người thuê. Điều này nằm ngoài dự báo của HSC. Nhưng cũng nhờ vậy, REE đã duy trì được tỷ lệ lấp đầy cao ấn tượng đạt 99,1% (so với dự báo trước đó là 95%). Chúng tôi hiểu rằng chính sách giá này chỉ được áp dụng cho Q3/2021.
Nhờ tình trạng phong toả được nới lỏng và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường tại TP.HCM, HSC dự báo tỷ lệ lấp đầy sẽ duy trì ở mức cao khoảng 98-99% trong năm 2022 (so với dự báo trước đó là 95-97%) dù chính sách chiết khấu áp dụng trong Q3/2021 đã kết thúc.
Do chính sách chiết khấu giá chỉ được áp dụng trong vòng 3 tháng trong năm 2021, HSC dự báo doanh thu cho thuê văn phòng năm 2021 chỉ giảm nhẹ 7% và sẽ phục hồi 6,3% trong năm 2022 theo giả định thận trọng của chúng tôi về tỷ lệ lấp đầy và giá thuê như phân tích phía trên.
HSC dự báo doanh thu năm 2023 sẽ tiếp tục tăng trưởng 8,6% dựa trên kỳ vọng toà nhà mới Etown6 (tổng diện tích sàn 86.134 mét vuông) sẽ bắt đầu cho thuê từ nửa cuối năm 2023. Chúng tôi dự báo tỷ lệ lấp đầy tính đến cuối năm 2023 sẽ đạt 70% (không đổi). Việc bắt đầu cho thuê toà nhà này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lợi nhuận của mảng này.
Nâng dự báo lợi nhuận năm 2022 và 2023
HSC nâng lần lượt 11,7% và 14,8% dự báo lợi nhuận năm 2022 và 2023 lên lần lượt 2.281 tỷ đồng (tăng trưởng 44,4%) và 2.607 tỷ đồng (tăng trưởng 14,3%) phản ánh kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ của mảng M&E/Reetech/Reepro. HSC giữ nguyên dự báo lợi nhuận năm 2021 là 1.580 tỷ đồng (giảm 3%). Chúng tôi dự báo CAGR lợi nhuận thuần trong 3 năm tới của REE đạt 17%. Chúng tôi cũng tin rằng REE sẽ tiếp tục trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ lợi nhuận chi trả cổ tức dự kiến là 22%.
Bảng 7: Ước tính lợi nhuận giai đoạn 2021-2023, REE
Giả định doanh thu
Do doanh thu mảng M&E/Reetech/Reepro trong Q3/2021 thấp hơn dự báo của chúng tôi, HSC điều chỉnh giảm 5,4% dự báo doanh thu năm 2021 mảng này xuống 2.274 tỷ đồng (giảm 34,5%).
Tuy nhiên, do REE đã ký các hợp đồng mới tổng trị giá 2.399 tỷ đồng (tăng trưởng 32,4%) trong 9 tháng đầu năm 2021, chúng tôi dự báo doanh thu năm 2022 và 2023 sẽ phục hồi mạnh nhờ nhu cầu bị dồn nén được giải tỏa. Do đó, HSC nâng lần lượt 19,1% và 35,1% dự báo doanh thu năm 2022 và 2023, tương đương tăng trưởng lần lượt 43% và 30,7%.
Đối với doanh thu cho thuê văn phòng, chúng tôi giảm 5% dự báo giá cho thuê bình quân năm 2021 do chính sách chiết khấu 20% giá thuê trong Q3/2021. Tuy nhiên, chúng tôi nâng giả định tỷ lệ lấp đầy lên 98,5% (thay vì 95% trước đó). Do đó, chúng tôi gần như giữ nguyên dự báo doanh thu cho thuê văn phòng trong giai đoạn 2021- 2023 (Bảng 7).
Tuy nhiên, HSC hạ 9,1% dự báo doanh thu mảng điện do tình hình thủy văn không thuận lợi tại miền Bắc và miền Trung như đã phản ánh trong KQKD Q3/2021. Chúng tôi cũng giả định giá PPA năm 2021 tại nhà máy Thượng Kontum sẽ thấp hơn do quá trình đàm phán tăng giá bán với EVN bị chậm trễ. Giá bán tăng lên sau khi đàm phán được kỳ vọng sẽ áp dụng từ năm 2022 (thay vì từ Q4/2021 như trong dự báo trước đó).
Nhìn chung, chúng tôi hạ 6,6% dự báo doanh thu năm 2021, đồng thời nâng lần lượt 7,3% và 13,3% dự báo năm 2022 và 2023.
Giả định thu nhập tài chính
HSC nâng 18,3% dự báo thu nhập tài chính năm 2021 lên 291 tỷ đồng (tăng trưởng 31,1%), bao gồm 45 tỷ đồng lãi từ chênh lệch tỷ giá trong Q3/202021 từ công ty conPhong Điện Thuận Bình (TBW; Tư nhân, REE sở hữu 50% cổ phần).
Dự báo thu nhập tài chính năm 2022 và 2023 của chúng tôi gần như không có thay đổi đáng kể.
Lợi nhuận thuần
Từ đó, HSC nâng lần lượt 11,5% và 14,8% dự báo lợi nhuận năm 2022 và 2023, trong khi đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo lợi nhuận năm 2021. Chúng tôi dự báo CAGR lợi nhuận thuần trong giai đoạn 2020-2023 đạt 17%.
Cổ tức
Năm 2021, HSC dự báo REE sẽ không trả cổ tức bằng tiền mặt do nhu cầu vốn đầu tư lớn tại 3 dự án điện gió và tòa nhà Etown6. Chúng tôi dự báo REE sẽ chi trả cổ tức trở lại là 1,600đ/cp (lợi suất cổ tức 2,2%) trong năm 2022 và tăng lên khoảng 2.500đ/cp trong năm 2023 (lợi suất cổ tức 3,5%).
Biểu đồ 8: Cổ tức thanh toán, REE
Biểu đồ 9: Triển vọng tài chính, REE
Bảng CĐKT và dòng tiền
Sau khi hợp nhất công ty có tỷ lệ nợ cao là VSH cùng với khoản vay để đầu tư 3 dự án điện gió và tòa nhà Etown6, tỷ lệ nợ thuần/vốn CSH của REE được dự báo sẽ đạt đỉnh là 0,52 lần trong năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ này được dự báo sẽ giảm xuống 0,38 lần trong năm 2023, tương đương với năm 2020 khi dư nợ đã được thanh toán dần.
Về dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, do doanh thu mảng M&E/Reetech/Reepro trong năm 2021 sụt giảm, các khoản phải thu dự kiến sẽ giảm khiến dòng tiền thu được từ các khoản phải thu này sẽ thấp hơn vào năm sau – chúng tôi dự báo dòng tiền hoạt động kinh doanh sẽ giảm trong năm 2022 (Bảng 10). Tuy nhiên, sau khi hoạt động kinh doanh những mảng này hồi phục, HSC dự báo dòng tiền từ hoạt động kinh doanh sẽ tăng mạnh trong năm 2023; chúng tôi cũng tin rằng lượng tiền thuần của REE sẽ bắt đầu dương đáng kể kể từ năm nay, bên cạnh việc thanh toán dần dư nợ.
Biểu đồ 10: Dòng tiền, REE
Sự điều chỉnh giá gần đây dẫn đến cơ hội Mua vào
Giá mục tiêu mới theo phương pháp DCF của chúng tôi là 82.200đ, tăng nhẹ từ 80,600đ. Kết quả này phản ánh dự báo phục hồi mạnh mẽ của mảng M&E/Reetech/Reepro. REE hiện đang giao dịch ở mức chiết khấu 31% so với RNAV, cao hơn so với bình quân trong quá khứ là 27%. Về mặt hoạt động, triển vọng trung và dài hạn của REE rất khả quan, do đó, hiệu suất cổ phiếu thấp hơn chỉ số trong 1 tháng qua là cơ hội đầu tư tốt – HSC duy trì khuyến nghị Mua vào.
Định giá và khuyến nghị
HSC áp dụng phương pháp SoTP để xác định giá trị của REE. Chúng tôi cũng áp dụng mức chiết khấu mô hình tập đoàn là 15% (không đổi) cho RNAV là 96.670đ.
Cổ phiếu REE đang giao dịch chiết khấu 27% so với RNAV phản ánh rủi ro mô hình tập đoàn. Do chúng tôi dự báo CAGR lợi nhuận trong 2 năm tới là 28,4% (dựa trên lợi nhuận năm 2022-2023 và giai đoạn cơ sở định giá là cuối năm 2022) cao hơn nhiều so với dự báo trong quá khứ kể từ tháng 2/2021 là từ -4,4% đến 19,1%, Theo chúng tôi, mức chiết khấu so với RNAV xứng đáng được thu hẹp (từ mức 31% hiện tại) xuống mức cao hơn trong phạm vi chiết khấu trong quá khứ. Do đó, chúng tôi đã áp dụng mức chiết khấu 15%, tương ứng với mức bách phân vị thứ 90 trong dữ liệu lịch sử, để phản ánh rủi ro mô hình tập đoàn.
Giá mục tiêu mới của chúng tôi là 82.200đ, tăng nhẹ so với 80.600đ trước đó. Điều này phản ảnh sự hồi phục mạnh của mảng M&E/Reetech/Reepro.
Giá cổ phiếu REE đã tăng 15% kể từ Báo cáo cập nhật gần nhất của chúng tôi một phần nhờ nền tảng vững chắc trong dài hạn nhưng sau đó đã điều chỉnh và tăng kém hơn 10% so với mức tăng của chỉ số trong 1 tháng qua đem tới cơ hội đầu tư tại mức giá hiện tại – chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua vào với tiềm năng tăng giá 22,5%.
Chi tiết định giá của chúng tôi như sau:
- Chúng tôi sử dụng phương pháp DFC để định giá hầu hết các công ty ngành điện. Ngoại trừ đầu tiên là PPC (Giảm tỷ trọng) chúng tôi sử dụng phương pháp chiết khấu cổ tức (Mời xem: La Nina và dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực, ngày 7/8/2021).
- Các ngoại trừ khác bao gồm Thủy điện SROK Phú Miêng (ISH; Không xếp hạng), CTCP Phát triển Điện Trà Vinh (DTV; Không xếp hạng), Nhiệt điện Ninh Bình (NBP; Không xếp hạng), và Thủy điện Bình Điền (Tư nhân). Chúng tôi định giá các công ty này bằng phương pháp giá trị sổ sách do hạn chế thông tin.
- Chúng tôi đã nâng giả định giá PPA trong mô hình định giá nhà máy Thượng Kontum từ năm 2022 đến 2031.
- Chúng tôi định giá các tòa nhà văn phòng của REE bằng phương pháp tỷ lệ vốn hóa. Tỷ lệ vốn hóa chúng tôi sử dụng là 9% (không đổi).
- Chúng tôi định giá mảng M&E/Reetech/Reepro bằng phương pháp hệ số P/E là 6,5 lần (không đổi), áp dụng cho EPS dự phóng 2022 của mảng này. Sau khi nâng dự báo lợi nhuận mảng này trong năm 2022, định giá được điều chỉnh tăng 13% lên 1.473 tỷ đồng.
- Chúng tôi tiếp tục sử dụng phương pháp thụ nhập thặng dư để định giá các công ty nước liên kết của REE. Yếu tố tăng trưởng dài hạn mà chúng tôi sử dụng là 0,5, theo đó, ROE của mảng này sẽ tương đương chi phí vốn CSH trong dài hạn.
Giả định WACC sẽ là 8,5% với lãi suất phi rủi ro là 3%, chi phí nợ là 8,5% và chi phí vốn CSH là 9,8%.
REE hiện đang giao dịch ở mức chiết khấu 31% so với RNAV, cao hơn so với mức bình quân trong quá khứ là 27% kể từ tháng 2/2019. HSC tin rằng mức chiết khấu này có thể thu hẹp dần do triển vọng của Công ty được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện ngoài giai đoạn dự báo của chúng tôi.
Bảng 11: Định giá, REE
Bảng 12: Chiết khấu RNAV, REE
Bảng 13: Phân tích độ nhạy của giá mục tiêu đối với lãi suất phi rủi ro và hệ số tăng trưởng dài hạn
HSC thực hiện phân tích độ nhạy của giá mục tiêu với các thay đổi của lãi suất phi rủi ro và hệ số tăng trưởng dài hạn áp dụng khi định giá mảng nước bằng phương pháp thu nhập thặng dư.
Rủi ro
Rủi ro KQKD thấp hơn dự báo của chúng tôi có thể do giá PPA thỏa thuận lại cho nhà máy Thượng Kontum: Có khả năng REE không thể đạt thỏa thuận tăng giá bán tại nhà máy và/hoặc thỏa thuận hoàn thành và áp dụng muộn hơn dự báo của chúng tôi.
Rủi ro KQKD thấp hơn dự báo của chúng tôi do chính sách giá điện mặt trời áp mái mới: Hiện tại, Chính phủ vẫn chưa ban hành chính sách mới. Nếu Chính phủ tiếp tục hoãn ban hành và/hoặc chính sách mới không đem lại lợi nhuận như trước đó sẽ là rủi ro khiến KQKD thấp hơn dự báo của chúng tôi cho mảng điện mặt trời áp mái và mảng Reepro.
Rủi ro KQKD thấp hơn dự báo của chúng tôi do dự án Etown6 bị chậm trễ: Dự án Etown6 có thể bị trì hoãn do dịch COVID-19. dự án đã triển khai trở lại sau giai đoạn phong tỏa nghiêm ngặt vào Q3/2021 và Công ty hy vọng dự án sẽ thực hiện đúng tiến độ. Tuy nhiên, nếu dự án Etown6 bị hoãn sẽ là rủi ro khiến KQKD thấp hơn dự báo của chúng tôi.
Rủi ro KQKD vượt dự báo của chúng tôi do ngành cơ điện hồi phục: nhờ thi công tốt các gói thầu cơ điện cho Sân bay Tân Sơn Nhất (mở rộng nhà ga hành khách T2), Sân bay Vân Đồn và Sân bay Cam Ranh, REE có lợi thế trong việc đấu thầu các hợp đồng M&E tại các dự án lớn mới như Nhà ga số 3 Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Sân bay quốc tế Long Thành. Chúng tôi chưa bao gồm các hợp đồng tiềm năng này trong mô hình dự báo và đây là rủi ro khiến KQKD mảng này vượt dự báo của chúng tôi trong dài hạn.
Người viết Hồng Quyên
Nguồn HSC