Sự kiện: Cuộc thảo luận với chuyên viên phân tích tổ chức ngày 19/10/2021
Chiều ngày 19/10/2021, BMP đã tổ chức một cuộc thảo luận với các chuyên viên phân tích để cập nhật KQKD sơ bộ Q3/2021. BMP ước tính doanh thu thuần trong Q3/2021 giảm 52,5% so với cùng kỳ xuống còn 529 tỷ đồng, chủ yếu do sản lượng tiêu thụ giảm 58,3% so với cùng kỳ xuống 11.000 tấn. Trong khi đó, Công ty sẽ lần đầu tiên lỗ trước thuế và lỗ thuần lần lượt 33 tỷ đồng và 26 tỷ đồng do doanh thu và tỷ suất lợi nhuận giảm.
Đồ thị cổ phiếu BMP phiên giao dịch ngày 22/10/2021. Nguồn: AmiBroker
Doanh thu sụt giảm do các biện pháp phong tỏa
Các biện pháp phong tỏa được áp dụng từ đầu tháng 7/2021 và bắt đầu được nới lỏng từ cuối tháng 9/2021 đã ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu Q3/2021 của BMP do hầu hết ống nhựa của Công ty được tiêu thụ trong nước. Theo đó, sản lượng tiêu thụ trong Q3/2021 giảm xuống chỉ còn 11.000 tấn nhựa (giảm 58,3% so với cùng kỳ).
Nhờ giá bán bình quân tăng 13,7% so với cùng kỳ lên 48,1 triệu đồng/tấn, doanh thu Q3/2021 giảm chậm hơn so với sản lượng tiêu thụ. Từ đó, doanh thu thuần Q3/2021 giảm 52,5% so với cùng kỳ xuống còn 529 tỷ đồng.
Doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 là 3.135 tỷ đồng (giảm 7,4% so với cùng kỳ) và đạt 61,4% dự báo doanh thu thuần cả năm 2021 của chúng tôi là 5.103 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm 2021 giảm 16,9% so với cùng kỳ xuống 66.828 tấn.
Lỗ do sản lượng tiêu thụ thấp
Các nhà máy của BMP chỉ hoạt động với hiệu suất 20-30% trong giai đoạn phong tỏa. Hiệu suất hoạt động thấp làm tăng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, chi phí quản lý liên quan đến việc công nhân làm việc tại chỗ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận.
Do đó, Công ty ước tính lỗ trước thuế trong Q3/2021 là 33 tỷ đồng so với lãi 191 tỷ đồng trong Q3/2020. BMP cũng dự kiến sẽ lỗ thuần lần đầu tiên là 26 tỷ đồng so với lãi thuần 152 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Bảng 1: KQKD sơ bộ Q3/2021, BMP
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, LNTT của BMP là 124 tỷ đồng (giảm 75,9% so với cùng kỳ) và lợi nhuận thuần là 100 tỷ đồng (giảm 75,7% so với cùng kỳ). BMP mới chỉ đạt 32% dự báo lợi nhuận thuần của chúng tôi trong năm 2021 là 313 tỷ đồng.
Sản lượng sản xuất và tiêu thụ đang hồi phục
Công ty chia sẻ rằng sản lượng tiêu thụ và doanh thu thuần trong 18 ngày đầu tháng 10/2021 đã phục hồi và đang tiến sát mức trước phong tỏa là 17-20 tỷ đồng/ngày. Doanh thu hàng ngày bình quân trong tháng 10/2021 đạt 21 tỷ đồng (cao hơn mức trước dịch COVID-19) từ chỉ 4,7 tỷ đồng trong tháng 8/2021 và 9,8 tỷ đồng trong tháng 9/2021.
Hiệu suất hoạt động đã đạt 75% công suất trong tuần này từ mức 50% tuần trước. 92% nhân viên đã được tiêm phòng đầy đủ, nhờ đó, Công ty có thể trở lại hoạt động sản xuất bình thường bất kỳ lúc nào. Nếu được phép, Công ty dự kiến sẽ hoạt động bình thường trở lại vào đầu tháng 11/2021.
Giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng mạnh
Giá PVC (polyvinyl clorua), nguyên liệu đầu vào chính của BMP, đã tăng lên 1.800 USD/tấn, so với mức bình quân trong Q3/2021 là 1.350 USD/tấn và mức bình quân năm 2020 là dưới 1.000 USD/tấn. Nếu giá tiếp tục ở mức cao, đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với Công ty, đặc biệt là sau giai đoạn phong tỏa gần đây.
Xin nhắc lại, BMP đã tăng giá bán tổng cộng 14% qua 2 đợt tăng giá trong Q1/2021. Trước tình hình giá PVC tăng đột biến gần đây, nhiều khả năng BMP sẽ tiếp tục tăng giá bán bình quân để bù đắp sự tăng vọt của chi phí nguyên vật liệu đầu vào.
Hàng tồn kho giá rẻ của BMP đủ cho 2 tháng sản xuất (tháng 10 và tháng 11/2021). Đây có thể là điểm tích cực trong ngắn hạn đối với Công ty do tỷ suất lợi nhuận có thể cải thiện trong Q4/2021 nếu giá bán tăng. Tuy nhiên, chi phí nguyên liệu đầu vào nếu sau đó vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của BMP.
Triển vọng Q4/2021 cải thiện
Nhờ nhu cầu phục hồi, chúng tôi tin rằng lợi nhuận Q4/2021 của BMP sẽ cải thiện so với Q3/2021 nhờ:
- Nhu cầu tích lũy sau giai đoạn phong tỏa
- Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công
- Hàng tồn kho giá rẻ (đủ cho 2 tháng sản xuất)
- Giá bán có thể sẽ tăng.
Tuy nhiên, sự phục hồi trong Q4/2021 sẽ không thể giúp Cổ phiếu BMP đạt được kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận thuần cả năm lần lượt là 5.200 tỷ đồng và 523 tỷ đồng. BMP mới hoàn thành lần lượt 60% và 19% kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận thuần năm 2021 trong 9 tháng đầu năm 2021.
HSC đang xem xét lại dự báo
Do KQKD Q3/2021 thấp hơn dự báo, chúng tôi đang xem xét lại dự báo và giá mục tiêu. Theo dự báo hiện tại của chúng tôi, BMP đang giao dịch với P/E dự phóng 2021 và 2022 lần lượt là 13,8 lần và 9,9 lần và P/E trượt dự phóng 1 năm là 11,5 lần, cao hơn một chút so với mức bình quân trong quá khứ là 10,6 lần (tính từ đầu năm 2017).
Tuy nhiên, nhìn chung, giai đoạn tồi tệ nhất đã qua và chúng tôi kỳ vọng nhu cầu bị dồn nén sẽ thúc đẩy lợi nhuận của BMP phục hồi trong những quý sắp tới. HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với BMP.
Người viết: Hồng Quyên
Nguồn: HSC